Nhà ở xã hội là gì?
Theo Luật nhà ở 2014, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên.
Đặc điểm của nhà ở xã hội?
- Giá rẻ hơn loại nhà thương mại cùng phân khúc, cùng khu vực
- Phải bán đúng đối tượng
- Sau 5 năm bàn giao mới được chuyển nhượng
- Chủ đầu tư bị khống chế trần lợi nhuận 10%
Được sở hữu trong bao nhiêu năm?
Sở hữu lâu dài.
Quy định đối tượng nào được mua
- Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ
- Hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn
- Hộ gia đình ở nông thôn bị ảnh hưởng thiên tai
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại đô thị
- Lao động trong và ngoài khu công nghiệp
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công an, công chức, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường
- Cán bộ, công chức, viên chức
- Người đã trả lại nhà công vụ
- Học sinh, sinh viên
- Người phải giải tỏa, phá dỡ nhà do bị thu hồi đất
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã trong khu công nghiệp
Điều kiện về nhà ở với người được mua
- Chưa sở hữu nhà tại nơi có dự án
- Chưa mua/thuê/thuê mua nhà xã hội
- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại nơi có dự án
- Nếu có nhà, diện tích bình quân dưới 15m2 sàn/người
- Không ở nhà công vụ
Điều kiện về thu nhập
-
Cá nhân: Không quá 15 triệu đồng/tháng
-
Vợ chồng: Không quá 30 triệu đồng/tháng
Hồ sơ
-
Đơn mua nhà xã hội
-
Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng mua nhà; đủ điều kiện thu nhập, điều kiện nha fở
-
Xác nhận về đối tượng do UBND xã cấp (với người thu nhập không có hợp đồng lao động tại đô thị)
-
Xác nhận về đối tượng do UBND huyện nơi bị thu hồi đất cấp (với người bị thu hồi đất, phải giải tỏa, phá dỡ nhà)
Nhu cầu cao về nhà ở xã hội
Nghe theo lời giới thiệu của một người quen, chị N.T.N (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vay mượn được 200 triệu đồng để đặt cọc mua 1 căn hộ nhà ở xã hội chưa được mở bán tại Hà Nội. Theo chị N.T.N, đây là “suất ngoại giao”, giá bán bằng giá gốc của chủ đầu tư cộng thêm một khoản tiền chênh lên tới 1 tỷ đồng.
“Người ta nói với tôi, chỉ có một suất ngoại giao, nếu không đặt cọc giữ chỗ nhanh sẽ mất. Còn để đợi bốc thăm thì rất khó vì hồ sơ nhiều lắm”, chị N.T.N chia sẻ.
N.T.Q, một môi giới bất động sản thì cho biết, do nằm ở vị trí đẹp nên dự án nhà này đang rất “hot”.
“Dù khoản tiền chênh một căn có khi lên đến 1,3 tỷ đồng nhưng rất nhiều khách hàng hỏi mua. Có người vì không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nên cứ ‘đặt gạch; như thế, đến khi chủ đầu tư ký hợp đồng thì tìm người đứng tên sau”, N.T.Q bật mí.
![]() |
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản. |
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản phân tích, nhu cầu nhà ở luôn cao, đặc biệt là nhà ở xã hội giá rẻ. Trước đây, do các khó khăn về thủ tục pháp lý nên các dự án nhà ở xã hội triển khai rất lâu. Theo Luật Kinh doanh bất động sản, các dự án chỉ được nhận cọc khi đủ điều kiện bán. Trong trường hợp đó thì chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán trực tiếp luôn với khách hàng.
“Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản cũng cấm các chủ đầu tư không được phép ủy quyền, ủy thác hoặc hình thức khác để giao cho một bên thứ ba ký hợp đồng đặt cọc. Như vậy, việc có một bên trung gian đứng ra ký hợp đồng là không có cơ sở. Lợi dụng việc khan hiếm sản phẩm, nhiều ‘cò mồi’ sử dụng chiêu trò này nhằm lừa đảo khách hàng”, Luật sư nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, các chủ đầu cùng các cơ quan chức năng sẽ công bố công khai thông tin, tiến độ các dự án. Các quy định của pháp luật cũng rất chặt chẽ. Vì vậy, chỉ những đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội mới có điều kiện mua nhà. Người dân cần liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư để được hướng dẫn nộp hồ sơ cũng như đóng tiền theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 3/2025, cả nước có 103 dự án với quy mô 66.755 căn nhà ở xã hội hoàn thành. Một số địa phương có số lượng nhà ở xã hội hoàn thành lớn như: Hà Nội (11.334 căn), Hải Phòng (5.242 căn), Bắc Ninh (7.020 căn), Bắc Giang (5.078 căn)… Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về nhà ở xã hội.
![]() |
Số lượng nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. (Ảnh minh họa) |
Kỳ vọng đột phá từ cơ chế, chính sách
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá, quan trọng trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Trước hết, phải kể đến Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” – quyết sách mang tầm chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/4/2023. Đề án này cũng mở ra một lộ trình toàn diện với các giải pháp đồng bộ.
Để thực hiện đề án một cách hiệu quả, đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó Luật Nhà ở 2023 cho phép các địa phương chủ động trong việc lập các dự án nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch của địa phương. Còn Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về việc ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội và tạo cơ chế linh hoạt trong việc thu hồi, giao đất. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết về việc dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính nhận định, việc giao chỉ tiêu cho từng địa phương, đưa vào tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ khiến các địa phương quan tâm, chủ động hơn trong việc tự cân đối nguồn quỹ đất, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho phát triển nhà ở xã hội.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. |
Để giải quyết vấn đề vốn tín dụng giá rẻ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 120.000 tỷ đồng sau đó được điều chỉnh nâng lên thành 145.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện tại, gói tín dụng trên đã giải ngân được 2.845 tỷ đồng gồm: 2.580 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 20 dự án; 265 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án.
Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia cho vay vốn và thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất các gói tín dụng ưu đãi hơn nữa.
![]() |
Nhờ cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được triển khai nhanh và thuận lợi trong thời gian qua. (Ảnh minh họa) |
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Với đề xuất của Bộ Xây dựng, chúng ta sẽ có một nguồn vốn 100.000 tỷ đồng, là vốn ngân sách, nguồn gốc do Chính phủ bảo lãnh. Đây sẽ là tiền đề quan trọng không những giúp cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường nhà ở xã hội có cơ hội phát triển mà cả chủ đầu tư và người dân cũng có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng giá rẻ”.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, số lượng nhà ở xã hội ở các địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; chỉ thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư, mọi hình thức “đặt cọc”, “mua chênh” đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.